Văn hóa nghệ thuật miền Trung: Vấn đề nghiên cứu và đào tạo

Ngày đăng: 29/12/2014 Lượt xem: 3.963
Mặc định Cỡ chữ

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, ngày 26/12/2014, tại thành phố Huế, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề:Văn hóa Nghệ thuật miền Trung – vấn đề nghiên cứu và đào tạo.

Đến dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Uỷ viên bộ chính trị, nguyên Trưởng ban TTVHTW; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN; PGS.TS. Nguyễn Tri Nguyên – nguyên Phó Viện trưởng Viện VHNTQGVN, nguyên phó Phân Viện trưởng Phân Viện VHNTQGVN tại Huế; Ths. Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân Viện trưởng Phân Viện VHNTQGVN tại Huế. TS. Đinh Văn Hạnh – Phó Phân viện trưởng Phân Viện VHNTQGVN tại TP.HCM; Đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Các nhà nghiên cứu đến từ một số tỉnh thành ở miền Trung và các học giả, nghiên cứu viên ở thành phố Huế.

TS. Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng Phân Viện VHNTQGVN tại Huế trình bày tham luận Văn hóa Nghệ thuật miền Trung: Hành trình 15 năm nhìn lại, hướng tới. Tham luận đã trình bày quá trình thành lập, vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Phân viện VHNTQGVN tại Huế. Khẳng định những thành tựu bước đầu của Phân viện Huế với gần 20 đầu sách, hàng chục đề tài nghiên cứu, tập trung giải quyết các vấn đề văn hóa nghệ thuật nổi bật trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Đồng thời, tham luận cũng vạch ra những mục tiêu nghiên cứu tổng thể trong những năm tiếp theo, như: Lý luận về Lịch sử & Văn hóa nghệ thuật miền Trung; Văn hóa biển ở miền Trung; Văn hóa Nghệ thuật cung đình; Văn hóa làng xã miền Trung; Văn hóa các tộc người vùng Trường Sơn, Tây Nguyên...

Tham luận Văn hóa Nghệ thuật miền Trung: Nhu cầu đào tạo Nghiên cứu sinh trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định những đóng góp của Viện VHNTQGVN trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật nói chung, cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiến sĩ và nghiên cứu sinh so với nhu cầu nguồn nhân lực ở khu vực này còn quá ít. Sau khi phân tích những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan của hiện trạng này, tham luận đã đề xuất một số giải pháp khắc phục, như: Liên kết đào tạo, thực hiện chính sách đãi ngộ, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật. Viện VHNTQGVN, thông qua Phân viện VHNTQGVN tại Huế cũng sẽ hỗ trợ tối đa về mặt chuyên môn cho cán bộ văn hóa nghệ thuật thông qua đào tạo, tập huấn, tổ chức hội thảo.

Ông Nguyễn Khoa Điềm, người đã dành nhiều tâm huyết cho Phân viện VHNTQGVN tại Huế ngay từ những ngày mới thành lập, bày tỏ niềm vui mừng trước những thành tựu bước đầu của Phân viện. Đồng thời, ông cho rằng, Phân viện VHNTQGVN tại Huế cần tập trung nghiên cứu các chính sách văn hóa của triều Nguyễn, từ điển chương, thể chế, khoa học giáo dục, nghệ thuật, con người… Từ đó, xác định những mặt giá trị, tiên tiến, văn minh để vận dụng cho hiện nay. Việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa ấy, phải tiến hành cho tới nơi, để giúp cho đất nước phát triển một nền văn hóa tốt đẹp, xứng đáng với truyền thống lâu dài của dân tộc. Nếu không, sẽ dẫn đến coi thường truyền thống, coi thường lịch sử. Văn hóa, vì thế, sẽ ngày nay ngày càng sa sút, càng đáng buồn.

PGS.TS. Nguyễn Tri Nguyên nhắc lại những bước đi đầu tiên đầy khó khăn của Phân viện VHNTQGVN tại Huế. Tuy nhiên, Phân viện cũng đã nhận được rất nhiều tính cảm ưu ái của lãnh đạo Nhà nước, nhất là sự động viên tích cực của nguyên phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Khoa Điềm; sự ủng hộ của lãnh đạo và các nhà nghiên cứu trên địa bàn miền Trung, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, Huế là vị trí đắc địa cho việc đặt Phân viện VHNTQGVN ở miền Trung. Về mặt chuyên môn, Phân viện đã thực hiện được những chỉ đạo sâu sát, chắc chắn của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch qua các thời kỳ. Riêng mảng Văn hóa cung đình, Phân viện đã nghiên cứu nhạc lễ, mỹ thuật cung đình, âm nhạc cung hình và một số hình thái, giá trị của văn hóa cung đình khác. Lãnh đạo Viện VHNTQGVN cần tăng cường hỗ trợ thêm cho Phân viện VHNTQGVN tại Huế nghiên cứu mảng văn hóa này, bởi khi nói đến văn hóa cung đình, bao giờ cũng là nói đến chuẩn mực, quy định cao, việc bỏ nghiên cứu các hình thái văn hóa, các chính sách, kể cả loại hình nghệ thuật cung đình là đánh mất những giá trị cao nhất của dân tộc.

Tọa đàm cũng đã nghe phần trình bày và thảo luận của Ths. Nguyễn Hữu Thông và nhóm nghiên cứu Phân Viện VHNTQGVN tại Huế, về đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình Festival 4 mùa cho Thừa Thiên Huế. Từ những đánh giá thực trạng, khó khăn và thách thức của Festival Huế sau 8 kỳ tổ chức, nhóm tác giả đã đưa ra cơ sở lý luận, thực tiễn và chân dung Bốn mùa Festival cho Huế trên tinh thần có cái nhìn cởi mở hơn về văn hóa đức tin trong các hoạt động của Festival. Tham luận đã nhận được sự đánh giá cao của những người tham dự tọa đàm, như TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc TT BTDT Cố đô Huế, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Festival Huế, TS. Nguyễn Khắc Thái, Nhà nghiên cứu Bửu Ý, Hồ Tấn Phan…

Tin: Nguyễn Thị Tâm Hạnh

Ảnh: Vicas tại Huế

Bình luận