TỌA ĐÀM: NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC NGÀNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT

Ngày đăng: 23/01/2019 Lượt xem: 1.884
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 18 tháng 1 năm 2018, tại Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế đã diễn ra buổi tọa đàm bàn về nội dung “Nghiên cứu và đào tạo sau đại học ngành văn hóa, nghệ thuật” giữa Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Đại học Huế, cùng các trường thành viên.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam có PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng, GS.TS Nguyễn Chí Bền - chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo. TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế. Về phía Đại học Huế có TS. Trần Trung Hỷ - Trưởng ban Đào tạo Sau Đại học, TS. Nguyễn Tình - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ; TS. Đào Xuân Phú - Phó hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật, PSG.TS Đặng Văn Chương – Phó trưởng khoa Lịch Sử Trường Đại học Sư phạm Huế; và lãnh đạo các khoa Việt Nam Học, khoa tiếng Trung, khoa tiếng Pháp,… cùng cán bộ, giảng viên các đơn vị.

Buổi tọa đàm là cơ hội để thông tin rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức có nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của chuyên ngành quản lý văn hóa, văn hóa học ở địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để các bên ngồi lại, hiện thực hóa biên bản ghi nhớ, tìm tiếng nói chung giữa Viện và các trường thành viên của Đại học Huế như Trường Đại học ngoại ngữ, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học khoa học,… đưa ra những giải pháp có tính khả thi nhất.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về tình hình đào tạo nhân lực trình độ cao cho ngành Văn hóa hiện nay, những nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa nói riêng và KHXH nói chung cho đội ngũ giáo viên của Đại học Huế. Đặc biệt, các bên đã có những trao đổi cụ thể, thiết thực về những khó khăn vướng mắc trong việc tuyển sinh đầu vào, tìm kiếm giải pháp nhằm đạt chuẩn ngoại ngữ và công bố quốc tế cho các nghiên cứu sinh.

Thay mặt lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Phạm Lan Oanh đã giới thiệu về chức năng và tình hình đào tạo trình độ tiến sĩ của viện theo 5 chuyên ngành là Văn hoá học, Văn hoá dân gian, Quản lý văn hoá, Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Lý luận và Lịch sử Sân khấu. Viện đã và đang đào tạo 21 khoá nghiên cứu sinh các chuyên ngành thuộc khoa Văn hoá học và khoa Nghệ thuật học gồm 346 nghiên cứu sinh, trong đó đã có 153 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Viện là cơ sở đào tạo có bề dầy lịch sử phát triển lâu năm nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, có đội ngũ giảng viên có uy tín, có chất lượng đào tạo đã trở thành thương hiệu..., Về đội ngũ giảng dạy của Viện hiện có 03 giáo sư, 09 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, về cơ bản đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đều là những cán bộ khoa học đầu ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có trình độ chuyên môn tốt, ngoại ngữ giỏi, đáp ứng trước mắt nhu cầu phát triển. Từ 1991 đến nay, Viện đã qui tụ được một đội ngũ các nhà khoa học đa ngành, thu hút trí tuệ của nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, hướng dẫn NCS thực hiện luận án tiến sĩ. Viện luôn chủ trương mời các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Canada… giảng bài cho nghiên cứu sinh hoặc đồng hướng dẫn luận án. Đây là những ưu thế mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có được. 

Thế mạnh Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện là đào tạo những nhà khoa học, có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học và công nghệ; hỗ trợ nghiên cứu sinh tự học những kiến thức nền tảng vững chắc về các học thuyết và lý luận của ngành, chuyên ngành; các kiến thức có tính ứng dụng của chuyên ngành.

Bàn về chủ trương mở rộng mã ngành đào tạo văn hóa của Đại học Huế, TS. Trần Trung Hỷ chỉ ra nhu cầu đào tạo sau đại học của Đại học Huế về chuyên ngành Văn hóa học, Quản lý văn hóa là rất lớn so với đào tạo cử nhân. Tuy nhiên, khó khăn mà Đại học Huế đang gặp phải là thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu. Về trước mắt cũng như lâu dài, TS. Hỷ mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ tối đa của Viện về thế mạnh, kinh nghiệm nghiên cứu và công bố nghiên cứu trên tạp chí Văn hóa học, xuất bản công trình, tổ chức hội thảo quốc tế cho NCS, để đáp ứng đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Về tình hình và nhu cầu đào tạo sau đại học của Trường Đại học Ngoại ngữ, TS. Nguyễn Tình trao đổi rõ hơn về nhu cầu đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ văn hóa của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là khoa Quốc tế học và Việt Nam học. TS. Tình rất hoan nghênh và mong muốn những vấn đề trao đổi tại tọa đàm sớm đi vào hiện thực. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền đã có những trao đổi về kinh nghiệm mở ngành đào tạo của các trường, từ đó đề xuất giải pháp mở chuyên ngành Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế, Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch miền Trung, Tây Nguyên, hay Ngôn ngữ đối sánh, Văn hóa đối sánh, gắn với định hướng phát triển của Khoa Việt Nam học, mang tính tích hợp, gắn kết giữa ngôn ngữ, văn hóa và du lịch của Huế và miền Trung.

Về phía Trường Đại học Nghệ thuật, TS. Đỗ Xuân Phú rất hoan nghênh và mong muốn Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Đại học Huế sớm xúc tiến các thủ tục để mở khóa tuyển sinh đầu tiên về quản lý văn hóa, lý luận và lịch sử mỹ thuật cho các giảng viên của trường vào năm nay. Trước mắt, TS. Phú khẳng định sau khi hoàn tất hồ sơ mở mã ngành, trường sẽ gửi thông báo đến cho các cựu học sinh đang công tác ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn miền Trung để thu hút nguồn đào tạo.

Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo Viện và các trường đạt được sự thống nhất cao trong việc cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, thực hiện phối hợp, tạo điều kiện để mở mã ngành đào tạo Sau đại học tại Đại học Huế. Trước mắt sẽ tạo điều kiện mở khóa đào tạo nghiên cứu sinh cho các giảng viên của Đại học Huế, cũng như các cán bộ công tác trong ngành văn hóa ở Huế là cần thiết và khả thi. Về lâu dài sẽ tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, về giảng viên,… để mở mã ngành đào tạo Sau đại học tại Đại học Huế do các trường thành viên đảm nhiệm như Quản lý văn hóa ở Trường Đại học Khoa học, Văn hóa học ở Trường Đại học ngoại ngữ, lý luận lịch sử mỹ thuật ở Trường Đại học nghệ thuật,… trên cơ sở phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế.

Tin bài: LÊ ANH TUẤN

Ảnh: THĂNG LONG

Bình luận